Polaroid

Chàng trai tháng Tám

Trải qua rồi không nhất định thành công, nhưng nếu bỏ cuộc chắc chắn sẽ thất bại. Sống - là phải dũng cảm đương đầu!

Trong suốt bao nhiêu năm, nó vẫn chờ anh chờ mãi đến khi tháng 8 vào thu. Đây lại là mùa thu thứ hai sau khi anh ra đi…

Anh và nó bằng tuổi nhau, hai đứa quen nhau chỗ bến chờ xe buýt. Một đứa trắng trẻo xinh xắn, môi chúm chím, tóc tết nơ hoa trên đầu và nói giọng miền Nam đặc sệt. Đứa còn lại bị cái nắng gay gắt của những buổi trưa bay mũ làm làn da trở nên đen nhẻm nhưng được cái khỏe khoắn, sống mũi cao với ánh nhìn kiên định kèm theo giọng Bắc ấm áp, ngọt như “rót mật vào tai”.

Nói tiểu thư cũng không phải, công chúa đài các lại chả đúng bởi lẽ nó sinh ra trong một gia đình viên chức bình thường, cái đáng nói ở đây duy chỉ mỗi một chuyện: Nó là con một. Hết thảy tình thương yêu của bố mẹ đều dành cho nó, nó như báu vật trong gia đình được nâng niu, chiều chuộng nên tính tình ngang bướng lắm, hễ muốn là đòi cho kì được không thì nức nở khóc òa. Là con một nhưng được cái không ích kỉ, đôi khi chỉ mè nheo, nũng nịu với bố mẹ một tí. Không phải đứa con gái nào bước vào tuổi dậy thì đều ẩm ương, khó tính hết cả vì chẳng qua chúng chỉ muốn được khẳng định bản thân mà thôi.

Nó thương yêu bố mẹ nhưng cực kì không thích sự quản thúc. Năm nay nó vào lớp 10, nó muốn được tự do đến trường thay vì bố vẫn thường xuyên đưa đón. Nó muốn được đạp xe đạp, vẫn hay mộng mơ đến một lúc nào đó giỏ xe mình chở đầy hoa và thư tình. Nhưng cái ước muốn ấy xẹt qua như tia lửa điện – nhanh đến choáng đi vì thực ra nào nó có biết đi xe đâu.

Lắm lúc ngắm mình trong gương thấy nực cười vì chả có đứa trẻ nào tầm tuổi nó mà chưa biết đi hết. Nó vén tóc mái qua một bên và soi mình trước gương, thấy vết sẹo trái trên trán vẫn hồng đỏ. Cách đây vài năm, không hiểu đi đứng thế nào để bị ngã cầu thang, lộn mấy vòng rồi đập đầu vào chậu cá cảnh nhỏ. Nước bắn tung tóe, mảnh sành văng khắp nơi còn hai chú cá vàng thi nhau giãy đành đạch, trán nó bị ghim mảnh sành chảy đầy máu. Mẹ chở nó đi bệnh viện, khâu liền năm mũi nên từ đó trở đi nó cạch tới già mấy trò có khả năng gây thương tích.

Bố dẫn nó vào chỗ đất trống trong khu chung cư gần nhà, tất chân, tất tay, mũ bảo hiểm đầy đủ ấy vậy mà nó cứ nhất quyết lắc đầu. Thôi thì cũng đành chiều ý nó vì nhà có mỗi cô con gái, học giỏi lại chả hư hỏng gì nên bố chiều nó lắm. Không biết sau này thế nào nhưng bây giờ nó không dám nghĩ đến chuyện đó nữa. Có cái xe đạp cũ của mẹ cất trong kho bao nhiêu năm không nỡ bán. Hồi đó, lúc bố còn mới yêu mẹ ngày nào bố cũng chở mẹ đi rong ruổi khắp con đường làng bằng chiếc xe đạp này. Nhiều khi buồn nó vẫn lén vào nhà kho mân mê, ve vuốt chiếc xe đạp, giá mà sau này cũng có người chở nó như thế nên tạm thời trước mắt cứ đi xe buýt cho lành.

Trời thì nắng, bến lại đông người chen chúc, người già trẻ nhỏ đứng đầy đường nhưng trong lòng nó lại khấp khởi mừng vui sau khi biết nó đậu vào một trường tốt của quận. Nó muốn tự mình làm quen với ngôi trường mới trước khi có giấy gọi nhập học. Mặt nó vui lắm, miệng cứ líu lo như chim hót, chân thì nhún nhảy dưới chiếc váy xòe điểm xuyết những bông hoa nhỏ bằng ren, nó giận vì không thể viết chữ “Tôi đang vui” lên trên trán cho mọi người cùng biết. Bỗng nó thấy mọi người túa lên khi xe buýt dừng đúng vạch, nó cũng leo lên để chuẩn bị cuộc hành trình đến trường mới.

Chả trách lần đầu đi xe buýt, nó ngố không chịu được. Nó không biết là xe buýt đã đổi qua hình thức thu vé tự động mà nó cũng chả biết vé xe buýt tháng là gì nên vẫn thường bị lũ bạn trêu là người trên rừng mới xuống dù nó có hộ khẩu chứng minh nhà nó là dân Sài Gòn gốc hẳn hoi. Nó thấy bác tài cứ gọi với ra sau nhắc nó, nó luống cuống không biết làm sao nên đành lay người bên cạnh đang úp cái mũ vải vào mặt để che nắng. Nó sợ! Tay vân vê vào vạt áo nhàu cả một khoảng lớn, nó lí nhí hỏi anh cách mua thế nào nhưng do lười trả lời nên rút đại mấy đồng tiền xu lẻ thả vào ống rồi xé vé cái rẹc. Đưa nó xong anh ngủ tiếp vì không thích bị quấy rầy.

Thế mà nó cứ đinh ninh rằng anh tốt với nó, nó tưởng anh ra tay nghĩa hiệp là vì nó. Chỉ mấy phút thấy anh mà khiến nó ngẩn người, nó lay anh dậy, đưa đồng tiền 20 nghìn sáng bố cho dúi vào tay anh.

-Trả anh tiền xe buýt ban nãy.

-Tôi không cẩn.

-Anh không phải thối đâu, em cảm ơn anh mà. – Vừa nói nó vừa lấy tay vuốt nhẹ vào bím tóc.

-Cô phiển chết đi được, để cho tôi yên! – Anh quát lớn trong xe.
Cái không gian chật chội ấy bỗng chốc im bặt, mọi ánh mắt đổ dồn vào hai đứa trẻ. Từ nhỏ đến giờ chưa ai dám la nó, chưa ai làm nó bẽ mặt đến thế này. Thế là như đứa trẻ thiếu sữa, nó khóc òa trong xe buýt, khóc hết nước hết cái nước mũi chảy tèm lem. Đến cột tóc nơ trên đầu cũng bị nó làm cho méo xệnh, trông bộ dạng nó thảm hại đến thế là cùng. Mọi người ai cũng nhìn nó với ánh mắt đầy ái ngại. Anh sợ nếu như mình không lên tiếng thì mọi con mắt đang chực chờ “ăn tươi nuốt sống” sẽ thiêu đốt cái mũ vải và con người mình nên đành phải lên tiếng:

Trang: 12
U-ON
[XÓA QUẢNG CÁO]