Màu nắng Đà Lạt

1. Ở lì trong nhà tới ngày thứ ba thì tôi thấy mọi giác quan trở thành thứ khó kiểm soát, đờ đẫn và mông lung kinh khủng. Gạt tấm rèm mỏng sang một phía, đập vào mắt là hình ảnh nắng vàng ấm áp và gió làm những chùm hoa giấy phất phơ, tôi khoác thêm áo, quyết định ra ngoài.

Căn nhà tôi đang ở có năm tầng. Ba má, tôi và Tí Nị ở tầng hai, ba tầng trên cùng má dành cho khách du lịch đến thuê trọ, phần nhiều là người Pháp. Phòng ốc giản đơn nhưng đủ tiện nghi, luôn được lau dọn sạch sẽ và nhất là cả nhà đều nói tiếng Pháp rất rành, nên chẳng mấy khi thưa vắng khách. Ba má tôi đều học trường Pháp từ nhỏ và sau này, như lẽ tự nhiên, tôi cũng gần gũi và thích thú với ngôn ngữ và nền văn hóa đó từ lúc nào không hay. Tầng một là giang sơn của ba, ông biến nó thành góc quán cà phê kiểu Pháp với những bộ bàn ghế mây giản dị mà tinh tế, với những bản nhạc Pháp ngọt ngào rất đặc trưng. Rảnh rỗi, tôi thường phụ ba dọn bàn, mang đồ cho người này, tính tiền cho người kia.

Mấy bữa nay tôi ru rú trong phòng riêng. Vụ tỏ tình với Yến Anh, cô bạn cùng lớp, bất thành khiến tôi mất sạch năng lượng. Ba má thấy cậu con trai ủ rũ, đoán chừng kết quả học tập ở trường của tôi không tốt. Ba má bảo tôi nên để đầu óc thư giãn một chút, dẫu sao cũng đang trong tuần nghỉ giữa hai học kì. Tôi thở dài. Ba má mà biết con trai đang vật lộn với cơn thất tình ở tuổi 19 sẽ la ầm trời rằng chuyện ấy thật viển vông và chẳng đáng cũng nên. Tốt hơn hết là giữ im lặng. Mọi thứ rồi sẽ chóng qua.

Xuống tầng một, tôi nhìn thấy còn nhiều bàn trống. Bữa nay đẹp trời nên người ta thích dạo phố hơn thì phải. Ở ngay góc phòng, hứng trọn ánh nắng buổi sớm, cô gái Pháp đang ngồi đọc sách. Chúng tôi chạm mặt nhau ngày cô đến thuê một phòng nhỏ trên gác ba, tuần trước, khi tôi đứng trông quầy giúp má. Vừa hay ba bảo tôi:

“Con mang cà phê ra và nếu có thể, hãy rủ cô bé đi đâu đó. Du lịch một mình và chắc đang buồn vì ba thấy nó ngồi lì đó mấy bữa nay rồi!”


2. “Cà phê của bạn đây!” Cô gái ngẩng lên, nhoẻn miệng cười dễ thương, khiến câu nói sau đó của tôi cất lên dễ dàng: “Bạn đến đây chỉ để ngồi uống cà phê và đọc sách cả ngày?”

Cô gái cầm lấy cốc cà phê, hít một hơi dài hương cà phê đậm đà trước khi nhấp ngụm cà phê đầu tiên.

“Cậu có muốn đi đâu đó với tớ không?” – Cô bạn bất ngờ đề nghị.

Cô bạn tên Elise, bằng tuổi tôi, vừa tốt nghiệp trung học bên Pháp. Elise quyết định không vào đại học ngay. Kết thúc nửa năm làm thêm chăm chỉ, mang theo toàn bộ tiền tiết kiệm có trong thẻ, Elise bắt đầu hành trình “khám phá thế giới”. Cô là cộng tác viên cho một tờ báo cho giới trẻ của Pháp. Công việc linh hoạt, cô có thể làm ở bất kỳ đâu, chỉ cần gửi bài qua email đúng hạn là được. Khi khoản tiền mang theo cũng như nhuận bút được chuyển vào tài khoản vơi dần, cô bạn tìm kiếm công việc làm thêm ở các điểm dừng chân. Phục vụ bàn trong quán cà phê ở Đức, nhân viên giao báo mỗi buổi sớm ở Hàn Quốc, diễn viên quần chúng cho một đoàn làm phim trong một tuần ở Thái Lan, trợ lý PR cho một hãng quảng cáo nhỏ ở Sing…

Tôi hỏi cô ấy lý do ghé thăm Đà Lạt thì Elise nhìn xa xôi, nói cô ấy nhớ nhà, nhớ Pháp, nhưng lại chưa muốn quay về.

“Sếp ở bên Sing gợi ý tớ đến đây. Ông ấy bảo Đà Lạt như một thành phố Pháp trên núi. Đủ gần để ghé thăm mà không cần cân nhắc quá lâu khoản chi phí. Thế là tớ nộp đơn xin nghỉ việc, bay tới Sài Gòn rồi lên đây luôn.”

Elise bảo góc quán cà phê của nhà tôi, chỗ cô ấy hay ngồi đọc sách giống hệt nơi cô ấy thường tới ở Pháp. “Thoải mái và dễ chịu. Nếu những vị khách ngồi quanh đều nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp thì có lẽ tớ đã nghĩ mình đang ở nhà rồi cơ đấy!”

Băng qua đoạn đường không quá xa, cuối cùng chúng tôi cũng đến hồ Than Thở. Mặc dù đây là một địa điểm được liệt kê nhiều trong các sáchhướng dẫn du lịch nhưng thú thực tôi chẳng mấy khi nghĩ nhiều về nó. Riêng cái tên đã… tẻ ngắt và muốn tránh xa rồi. Nhưng vì Elise là người đến từ phương xa, lại thêm chuyện đây là địa điểm du lịch gần nhà tôi nhất nên tôi nghĩ mình có-trách-nhiệm dẫn cô ấy tới đây đầu tiên.

Tôi giải thích với Elise về cái tên của hồ, kể luôn câu chuyện tình buồn của mấy trăm năm trước, được ông bà và bố mẹ kể đi kể lại nên cũng có chút nhớ. Cô bạn bảo ở Ý cũng có cây cầu mang tên Than Thở. Người ta đến đó để kể lể khổ đau và ném xuống dòng sông những nỗi buồn.

“Thật tội nghiệp những chiếc hồ như ở đây, cũng như những cây cầu như ở Ý! Tại sao người ta không cố gắng nghĩ ra giải pháp nào đó đỡ… ngớ ngẩn hơn việc trút hờn giận vào những nơi đẹp như thế này nhỉ?”

Cô ấy thao thao, vẻ kết tội đầy… thuyết phục khiến tôi phì cười. Nhưng ngay khi nhớ lại câu chuyện bữa trước, sau khi tỏ tình với Yến Anh bằng một món quà và ngay lập tức được trả lại, tôi bỏ tiết cuối, ra đứng bên hồ Than Thở và… thở than đủ thứ. Thế mà cũng chẳng hết buồn.

Trang: 12
U-ON

XtGem Forum catalog