Nhang và khói...

Bà bác sĩ tên Xinh từ phòng cấp cứu bước ra, tiến đến gần anh: Xin chia buồn cùng anh. Chúng tôi đã cố gắng hết sức. Nhưng không thể. Chị đã mất.

Anh nghẹn ngào, nói:

- Các anh chị có chậm trễ, chủ quan từ ngày đầu điều trị vợ tôi không?

Anh biết mình muốn gì qua câu hỏi này – đây là câu hỏi sẽ mở đầu cho những suy nghĩ của anh về người đàn bà bác sĩ này, một con người ác tâm, thiếu y đức như anh linh cảm từ lần gặp mặt đầu tiên với một va chạm nhỏ.

Bà Xinh lắc đầu, lạnh lùng:

- Không đâu anh!

- Thôi, dù sao tôi cũng cám ơn các anh, các chị.

Vợ anh nằm đó. Không còn thở hào hển, mệt nhọc nữa. Mắt nhắm nghiền, không cái ánh nhìn quyến luyến thiết tha hiền từ khi chầm chậm lướt qua những người thân, và nhất là khi lướt qua anh và con trai. Phương đã chết! Một đạo binh kinh hoàng đang trùng trùng kéo tới xâm chiếm cõi lòng trống vắng của anh.

Vợ anh nằm đó, vĩnh viễn thoát khỏi mọi ưu tư, lo lắng về bệnh tật, chết chóc. Anh chưa kịp biết rằng cái mất mát đường đột này sẽ gieo rắc hậu quả lên đời sống anh ghê gớm như thế nào trong những ngày tháng về sau.

Anh chắc chắn rằng trong đầu óc đơn giản của vợ anh, chưa bao giờ xuất hiện một mảy may suy tư về sự chết, về siêu hình, về hư vô, về thế giới bên kia, về sự xa cách vĩnh viễn những người thân. Trái lại, một tuần trước khi mất, những dự định về cuộc sống vẫn còn đầy ắp trong nàng. Dự định sống gần gũi hơn với chồng con; dự định sống với một công việc nhẹ nhàng phù hợp với sức khỏe đã suy yếu; dự định sống với những bữa ăn ngon, những đêm nghe nhạc; dự định mua một căn hộ mới sau khi bán căn hộ cũ; dự định một cuộc ra đi lớn, bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rốn để theo chồng… Gần hơn cả là dự định sống với một bài hát hay nàng hứa sẽ hát tặng ông bác sĩ trưởng khoa… “Lúc nào lành bệnh, em sẽ hát tặng bác sĩ một bài hát.” “Ồ, hay quá! Cô là ca sĩ à?”

Tóm lại, cái chết không len lỏi vào đâu được trong tinh thần nàng; nó chỉ xâm chiếm cơ thể nàng lần hồi mà thôi.

Khác hẳn với cái chết của những người già yếu, bộ máy tinh thần đã sụp đổ, chết đối với họ chỉ là sự bốc hơi, là dấu chấm hết đặt sau dòng chữ cuối cùng – cái chết của vợ anh đậm đặc quá. Làm sao chấp nhận những phút giây sống động, lạc quan mới đó của nàng giờ đã thành kỷ niệm? Anh cảm thấy mình bị ai lừa một vố nặng – đổi trắng thay đen. Lại cảm thấy như bị vét sạch một cú trắng tay, không còn gì nữa trên đời. Một sự trống rỗng hoàn toàn. Cái năng lực tâm thức dồi dào trong anh luôn ban cho thế giới khách quan (những mối quan hệ, những món nợ đời, những toan tính…) ý nghĩa chủ thể-khách thể giờ đột nhiên ngưng họat động. Và cái thế giới khách quan muôn vẻ, muôn sự đó biến mất!

***

Hưởng dương 42 tuổi, vợ anh được hầu hết mọi người đến viếng tiễn cho là “chết trẻ” và vì thế “tội nghiệp quá”, “tiếc quá”.

Một bà cụ già hàng xóm trên sáu mươi vừa thắp nhang vừa rấm rức khóc: “Sao con lại chết trẻ vậy hả con, Phương?”

Anh đứng bên cạnh bàn thờ, nghe câu hỏi nhói lòng ấy, đầu óc chợt căng thẳng suy nghĩ, cảm thấy như câu hỏi ấy đặt ra cho anh, buộc anh phải trả lời. Người đàn bà già yếu tốt lành kia từng trải một cuộc đời cô đơn túng quẫn – nghĩ gì mà thốt lên câu nói xót thương ấy? Phải chăng bà tiếc cho vợ anh chưa nếm đủ mùi vị cuộc đời? Phải chăng như Herman Hesse từng nói: “Dù cho khổ đau quằn quại mấy, ta vẫn yêu thương trần gian này tha thiết”?

Ngược lại, một đồng nghiệp viết văn của anh, vốn ưa triết lý, thì lại nói: “Cuộc đời này chỉ là một giai đoạn trong nhiều giai đoạn khác nhau của kiếp làm người. Bà ấy khôn, chết trước để được chồng con thờ phượng một cách tuyệt đối.” Rõ một giọng bi quan! Anh nhìn người bạn. Hắn bình thản, tự tại quá. Không lộ vẻ gì bi quan qua câu nói đượm màu yếm thế, tiêu cực. Hắn từng nói hắn là tông đồ của Lão Trang, nhưng không như những kẻ hiểu sai hoặc hiểu chưa tới Lão Trang; hắn nói người theo Lão Trang không khinh chê cuộc sống trần gian này, họ luôn luôn sống hòa điệu tinh thần lẫn thể chất mình với sự tuần hoàn của vũ trụ để được sống lâu dài và mạnh khỏe, nhưng nếu như cái chết ập tới hoặc từ từ tiến tới, họ vui vẻ đón chờ, vui vẻ bắt tay, “thần chết ơi, chào mi!”. Hèn gì mà thần thái, phong độ của hắn trông đẹp quá – năm mươi tuổi mà cứ như trai tráng ba mươi.

Anh nhìn lên ảnh vợ, cố tìm trong đôi mắt ấy một lời xác nhận: “Vâng, em sung sướng được chết. Anh đừng tiếc thương em nữa, đừng ân hận dày vò làm gì”. Nhưng sự lạnh lẽo càng lúc càng lan rộng trong hồn anh. Không có một âm thanh thần bí nào vang lên. Nhưng đột nhiên một dòng chữ rõ ràng chạy trong đầu anh: “Thượng đế đã ban ơn cho chúng tôi được chết”. Anh nhớ rồi, đây là lời nói sau cùng của Edmund Husserl. Bộ óc Đức vĩ đại này đã tiết ra những ý tưởng đó trong phút lâm chung. Làm sao anh len lỏi được vào trong tâm tư của Edmund Husserl phút giây ông tự tin bộc lộ niềm hoan vui được chết? Cái chết là gì mà quyến rũ vậy? A, hình như một đôi lần, trong thoáng chốc, anh cảm thấy nhẹ nhõm và gần như được giải thoát với ý nghĩ rồi mình cũng sẽ được chết; rồi tất cả những bất hạnh, khổ đau, bất toàn, thất bại của cuộc đời mình rồi sẽ chấm dứt cùng với cái chết. Không có cái chết, con người sẽ đi về đâu? Chẳng lẽ cứ loay hoay với bệnh tật, kéo lê thân xác, cứ mỗi ngày một suy sụp, mỗi lúc một rã rời… làm cho bẩn nhục những ban mai, những trăng sao mặt trời mọc lên thức dậy? Anh muốn nhận mặt, gọi tên thần chết: nó là một cứu cánh tối hậu! Vợ anh, thân xác đã tàn héo, hư hao; nàng cần phải rũ bỏ cái vỏ thể chất đó đi, để cho phần hồn, phần tinh thần của mình được thoát ra, trú ngụ trong anh, trong con và những người thân một cách khác, thiêng liêng.

Trang: 1234 Sau
U-ON
[XÓA QUẢNG CÁO]

Teya Salat