Teya Salat

Quẳng tôi vào một góc bình yên

Chàng trai Sài Gòn và chuyến thực tập “trăm sự cậy nhờ”
Chiếc cốc của Phong nom thật kì dị. Lùn và bự giống một chiếc bát hơn. Cậu cười hớn hở. “Đây là lần đầu tiên tớ được tự tay nặn một thứ gì đó!”. Phong giải thích với tôi như thế. Nhưng tôi vẫn không sao nhịn được cười mỗi khi quay sang và nhìn thấy gương mặt lấm lem đất sét của cậu.
“Mặt tớ dính gì sao?” – Phong nhìn tôi dò hỏi. Trước khi tôi kịp đưa ra câu trả lời, cậu đã đưa tay ngang dọc khiến những vệt đất loang rộng hơn. Trông cậu thật giống một chú mèo tinh nghịch, rất mắc cười.
Hôm nay là ngày chủ nhật của tuần thứ hai kể từ khi Phong ra Hà Nội. Nhưng đây lại là chuyến “vi hành” hơi-hơi-xa, ra ngoại ô thành phố của tôi và cậu ấy. Những bữa trước, hoặc tôi mua đồ qua nhà Phong nấu nướng vài món đơn giản rồi đợi cậu đi làm về, hoặc cậu mang cái mặt ngố tệ cùng giọng nói miền Nam âm ấm đến nhà tôi làm loạn. Rảnh rỗi, tôi bắt xe bus qua chỗ cậu, rủ đi ăn vài thứ linh tinh. Nào là sữa chua ông già tóc bạc ở quán rặt những anh chàng trẻ măng, nào là hoa quả dầm ở phố “cộp dấu”, nào là bánh mì sốt vang ở một con ngõ chưa khi nào tôi nhớ nổi tên…Phong thích lang thang, nhưng cậu thích “ru đẹp” em bụng trước khi đáp ứng nhu cầu “mãn mắt”. Đó là lý do trong khi bộ ảnh về ẩm thực Hà thành của cậu đầy lên nhanh chóng thì những bức ảnh phong cảnh, đường phố vẫn dừng lại ở cấp độ “nghèo nàn”.
Còn hơn nửa tháng nữa, Phong sẽ kết thúc chuyến thực tập xa nhà và trở về với Sài Gòn đầy nắng của cậu ấy. Tôi quên chưa nói với bạn, Phong là một chàng trai đặc sệt chất Nam. Làn da dám nắng. Nụ cười tươi rói và hơn cả là sự nhiệt thành, ở bất cứ mặt nào trong cuộc sống. Phong là “đệ tử” của ông anh họ tôi, đang “du học” trong thành phố Hồ Chí Minh. Thi thoảng, ông ấy có nhắc đến Phong, một cậu nhóc năng động và hoạt bát với cả tá “thành tích” nổ xịt đủ cả. Từng là thành viên tích cực trong đội bóng rổ của trường, hát hò nhặng xị và đủ quen mặt với tất thảy những cô gái trong trường, học rất giỏi những môn liên quan đến lý thuyết nhưng lại cực kém khoản tính toán cộng trừ nhân chia, rành hầu hết các môn thể thao nhưng chưa khi nào dám thử học bơi do luôn sợ chết đuối… Mùa hè, trường Phong yêu cầu sinh viên đi kiến tập ở các công ty một tháng, xin nhận xét và sau đó viết báo cáo thu hoạch. Tôi có đôi lần nghe đến “trò này”. Nhưng thấy bảo dân tình thích dựa vào những mối quan hệ quen thân để xin một con dấu vô thưởng vô phạt, bỏ 10K để download một bản báo cáo đẹp thiệt đẹp hơn là hì hục xin vô một công ty nào đó để làm. Vậy nên, khi ông anh họ gửi mail gửi gắm “trăm sự nhờ” tôi chăm sóc Phong trong những ngày cậu ra Hà Nội thực tập ở một công ty lớn Phong tự nộp CV, vượt qua vòng phỏng vấn và được chọn, tôi cười khẩy “Đã có gan chơi trội còn lo bị bắt nạt ở đất lạ hả anh?”
Một phần tử nổi loạn
Thực tế thì tôi không có nhiều cơ hội để giúp đỡ Phong như đã hứa với anh họ. Không phải vì tôi là một “chủ nhà” hách dịch và thiếu lòng hiếu khách. Đơn giản là bởi cậu ta đã có những sự chuẩn bị khá kĩ lưỡng cho chuyến đi dài ngày này. Trước khi ra nhận việc, Phong đã nhờ anh trưởng phòng thiết kế, nơi cậu thực tập, thuê giúp một căn phòng trong khu nhà trọ dành cho sinh viên. Rất gần công ty lại cực tiện đường xe bus.
“Sài Gòn chẳng phải nhộn nhịp hơn rất nhiều sao? Người ta nô nức vô đó làm ăn, chứ ai tính đường trở ra Hà Nội tìm việc như cậu. Thiệt tình!” – Tôi đã cằn nhằn với Phong như thế khi hai đứa ngồi vắt vẻo trên bức tường bao quanh hồ Thủ Lệ.
“Tui ra đây vì nghe anh Tún kể quá trời về cậu, một cô em gái giỏi giang và xinh xắn. Tò mò ghê luôn nên phải kiếm cớ bay ra ngoài này ngay đó!”
Cảm giác hai má nóng bừng trước lời khen bất ngờ và… “lưng chừng đồi” của Phong khiến tôi bối rối, chỉ biết
đấm vai Phong dồn dập. Cậu chẳng thèm để ý, chỉ ngửa cổ lên trời và cười rất lớn. Không nhưng tôi cũng thấy lòng thật vui. Sự lạ lẫm và xa cách không còn. Phong kể cho tôi về ngành ngân hàng cậu ấy đang theo học, theo “nguyện vọng” của bố mẹ và con đường thiết kế mà cậu theo đuổi, một cách nghiệp dư. Cậu vẫn chăm chỉ đến lớp đều đều, điểm tốt dành được không ít. Nhưng thời gian rảnh, cậu dành gần hết để ghé thăm những lớp dạy vẽ, hướng dẫn thiết kế… Cậu bắt đầu làm cộng tác viên vẽ minh họa cho vài tờ báo lớn nhỏ từ ngày còn học cấp ba. Lớn dần, tay nghề cứng hơn, cậu trở thành CTV hưởng lương cứng cho không ít tòa soạn.
“Lời khuyên của bố mẹ luôn là điều tốt nhất nhưng chưa chắc là điều phù hợp nhất cho tụi mình. Cậu cũng biết thế, tại sao không phản đối ngay từ đầu mà lại đợi tới bây giờ mới bắt đầu “nổi loạn”?”
“Tớ đâu có nổi loạn. Công việc thực tập của một sinh viên ngành ngân hàng, bố có thể dễ dàng giúp tớ có được một giấy nhận xét hoàn hảo. Mặc dù “chăm chỉ”… bùng tiết nhưng lượng kiến thức chuyên ngành có được cũng giúp tớ dư sức có một chỗ làm tạm ổn sau khi ra trường. Tớ sẽ không đi theo con đường thiết kế chuyên nghiệp. Bởi áp lực và guồng quay của nó chắc chắn sẽ giết chết đam mê của tớ. Tớ vẫn sẽ trở thành một nhân viên ngân hàng như bố mẹ tớ kì vọng, như bản thân tờ trông đợi và cố gắng. Nhưng tớ bỏ hết việc trong Nam, bay ra đây, vì muốn tìm kiếm một điều gì đó khác. Như kiểu sự bình yên giữa đống hỗn loạn ý!”

Trang: 12
U-ON
[XÓA QUẢNG CÁO]