Blog Radio dành chương trình số 25 với chủ đề Tình yêu và khoảng cách thế hệ qua truyện ngắn Trong tim tôi có một vị tướng.
Không dừng lại ở một truyện ngắn, đây còn là một câu chuyện tình yêu nối dài từ quá khứ đến hiện tại, phá vỡ khoảng cách thế hệ…
Người ta có thể yêu một người lớn tuổi hơn mình thật nhiều, có thể yêu một vị tướng đầy chiến tích vinh quang thời chiến tranh. Kẻ Nam người Bắc, một già một trẻ, như hai người tri âm vong niên gắn kết với nhau bằng những lá thư xuyên Việt đầy tình cảm, nhưng không có một lời nào đề cập đến tình yêu. Nhưng hạnh phúc không cứ phải được sống chung với nhau cả đời. Hạnh phúc vẫn đến, vẫn cứ tuyệt đẹp và xúc động, đó là hạnh phúc được nghĩ được nhớ về nhau. Sẽ có một ngày chân tình được đền đáp…
Blog Radio thực hiện theo truyện ngắn của Hoài Hương – hoaivan612
....................
30.04.1975 - Hà Nội.
Tôi chỉ là một cô bé, bé như viên kẹo, sống ở phố lính - nơi tôi ở được người lớn gọi như thế... Vào buổi trưa đó, tôi thật ngạc nhiên vì thấy mọi người ôm nhau vừa nhảy vừa cười vừa khóc vừa hét to đến khản cổ: "Giải phóng rồi" - "Giải phóng Miền Nam rồi" - "Hoà bình rồi"... Mọi người cứ thế tuôn ra ngoài đường, nhà cửa mở toang hoang không thèm khoá, chẳng biết quen lạ gặp ai cũng ôm mà nói "Giải phóng rồi, hoà bình rồi". Không lâu sau, tôi nghe tiếng loa phóng thanh đọc cái gì đó mà tôi chỉ nghe được bằng đôi tai và trí óc non nớt của cô bé tuổi mẫu giáo hai chữ "giải phóng" "hoà bình", hệt những lời mọi người đang hét vang ngoài phố. Và một khúc nhạc rộn rã cứ lặp đi lặp lại "Việt Nam - Hồ Chí Minh". Vài ngày sau thì tôi biết và thuộc, hát bằng giọng ngọng nghịu bài hát này "Như có Bác trong ngày vui đại thắng". Tôi bé quá, không thể hiểu được tầm cỡ của sự kiện trọng đại này, nhưng nhìn những người lớn khóc cười reo vui, nghe tiếng nhạc âm vang trên loa phóng thanh suốt ngày, rồi pháo hoa, và từng đoàn người cờ hoa rợp trời, tôi biết đây là một ngày vui, ngày vui lớn lắm chưa từng có và không gì sánh được.
Ngày hôm sau, ba tôi đem báo về, chăm chú xem và trong mắt ba tôi thấy những tia lấp lánh vui và hình như có nước mắt. Tôi chưa biết chữ, chỉ nhớ góc tờ báo có ngôi sao năm cánh, tôi bắt chước ba cầm báo lên xem, trang báo có nhiều ảnh chụp và không hiểu sao, đập vào ấn tượng trẻ thơ của tôi là hình ảnh một người lính giải phóng quân, áo quần bụi bặm, vai khoác khẩu súng mũi hướng về một nhóm người, tay đặt tại cò súng, nét mặt hơi căng thẳng nhưng toát lên sự cương quyết và oai nghiêm, nhóm người kia mặt mày ủ rũ thiểu não có chút gì lo sợ. Không đủ trí để hiểu sự việc gì đang diễn ra trong tấm ảnh, nhưng hình ảnh người giải phóng quân đã in đậm trong trí óc tôi, như một chàng dũng sĩ trong những câu chuyện cổ tích đi diệt trừ ác quỉ. Cũng thật lạ, tấm ảnh đó cùng hình ảnh người giải phóng quân đã luôn hiện trong giấc mơ của tôi... Nhiều năm sau lớn lên, đi học, tôi đã biết ý nghĩa ngày 30.4.1975, tôi cũng được biết rõ nội dung tấm ảnh đã in trong đầu óc tôi ngày đó. Nó được đăng nhiều lần trên các báo mỗi khi đến ngày 30.4 hàng năm - Đó là hình ảnh cuối cùng của nội các chính quyền Sài Gòn, đang đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng ở Dinh Độc lập trưa 30.4.1975. Và người giải phóng quân - chàng dũng sĩ thần thoại tuổi thơ tôi là một sĩ quan chỉ huy trẻ của một đơn vị xe tăng đánh chiếm Dinh Độc lập. Ông đã trở thành một chỉ huy cao cấp của một Quân khu chiến lược phía Bắc.
Ít tháng sau ngày 30.4.1975, ba đưa tôi vào Thành phố Hồ Chí Minh, quê hương của cha mẹ tôi. Và giấc mơ có hình ảnh người giải phóng quân - chàng dũng sĩ thần thoại của tôi vẫn thỉnh thoảng hiện về. Thật lạ. Tôi nhớ như in gương mặt đó, như được khắc dấu...
30.4.1995 - Thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi đã là một nhà báo, gương mặt trẻ của thành phố trong ngày lễ kỷ niệm 20 năm giải phóng Sài Gòn - thống nhất đất nước. Và như không thể tin được vào mắt, trên lễ đài, trước hàng ghế tôi ngồi ở khu vực báo chí, ngồi ghế danh dự chính là người trong ảnh - người giải phóng quân - chàng dũng sĩ thần thoại trong giấc mơ tôi, tuy có già hơn, nhưng trong bộ lễ phục tướng màu trắng, cành tùng trên ve áo, dây biểu chương vàng vắt ngang ngực, nụ cười thật tươi, đẹp ngời ngợi. Tôi muốn nghẹn thở vì hồi hộp... vội liên lạc với lãnh đạo xin phép một cuộc phỏng vấn "người trong mơ" - của tôi - khách danh dự của thành phố.
Không khó khăn mấy, tôi đã có được cuộc hẹn. Tôi gọi điện thoại đến nơi ông nghỉ để thống nhất giờ làm việc. Tất cả dũng khí được rèn luyện của con nhà lính, cũng như bản lĩnh nhà báo của tôi như bị mềm đi, tôi lúng túng lắp bắp không thể nói trọn vẹn một câu qua điện thoại.
- Dạ... thưa... Chú... Ông...
- Vâng! Tôi đây... Nào bình tĩnh... Phải cô nhà báo không?
- Dạ... cháu...
- Ta hẹn giờ nào có thể làm việc...
Đúng hẹn, tôi đến, đã thấy ông ngồi đó. 20 năm, kể từ ngày tôi nhìn thấy ông trong tấm ảnh trên báo Quân đội Nhân dân - sau này tôi biết tên tờ báo, từ giấc mơ thành hiện thực. Không hiểu sao tim tôi cứ đập loạn hết cả lên, nhìn tôi lúc đó chắc rất buồn cười, nhưng thật kỳ diệu, nụ cười ấm áp thân tình của ông làm tôi trấn tĩnh, cảm giác thân thuộc, quen biết như những giấc mơ có hình ảnh ông suốt 20 năm qua trong tôi. Tôi lại thêm một lần lúng túng không biết phải xưng hô thế nào với ông. "Chú", e già quá vì nhìn ông còn rất trẻ so với tuổi, kêu "anh" thì có vẻ mạo phạm và không thích hợp vì ông có lẽ phải gấp đôi tuổi tôi. Một chút lóe lên trong tôi, tôi nhớ đến câu chuyện "Con gái viên đại úy" của văn hào Puskin, có một kiểu xưng hô rất hay... Tôi quyết định gọi "ông" xưng "em". Ông lắc đầu cười nhìn tôi, nhưng không tỏ ý gì phản đối.
BÀI VIẾT NGẪU NHIÊN | [TẮT] |