Trong tim tôi có một vị tướng
Cuộc phỏng vấn tiến hành thuận lợi, hoàn tất. Tôi không thể ngờ một người lính chiến - một vị tướng chuyên về chiến thuật đánh trận ở chiến trường như ông lại có cách nói chuyện lôi cuốn và thật sự hấp dẫn, diễn đạt rất hay, ngôn ngữ chuẩn xác giàu hình tượng. Tôi chợt nghĩ, nếu như không phải đất nước có chiến tranh, thì có lẽ ông sẽ là một nhà văn. Rồi không thể kìm giữ, tôi buột nói ra ý nghĩ đó, ông cười to… "Cô bé ơi, thế thì cả thế hệ chúng tôi thành nhà văn hết".
Đêm đó về nhà, trong tôi cứ lâng lâng chếnh choáng giống người uống rượu không quen, một cảm xúc khó tả, tôi nằm ôn lại từng chi tiết, nhớ lại từng câu nói nụ cười của ông, hình ảnh trong giấc tuổi thơ tôi đã thật sự có hình hài. Và bây giờ không phải là chàng dũng sĩ thần thoại, mà là một vị tướng vừa kiêu hùng vừa phong nhã đầy hấp lực trong những giấc mơ con gái của tôi...
Một năm sau, cũng đúng ngày 30.4, nhà báo Ngọc, một trong những nhà báo đầu tiên có mặt trong Dinh Độc lập trưa 30.4.1975, điện thoại cho tôi, nói có một người quen muốn gặp… Không nghĩ ra là ai, tôi lơ đễnh cầm máy chờ đầu dây bên kia.
- Alô... Chào cô bé nhà báo... Tôi bỗng run lên lắp bắp:
- Ôi... Ông... em...
- Cô bé vẫn thế... nào bình tĩnh...
Tôi không nhớ mình đã nói những gì với ông, một bất ngờ, một niềm vui... Từ sau cuộc phỏng vấn 30.4 năm trước, đã nghĩ không biết bao giờ mới gặp lại ông... Ông vẫn còn nhớ đến tôi, gọi điện thoại cho tôi. Tim tôi lỗi nhịp. Đêm đó, tôi thao thức, nhớ lại từng câu nói của ông, nhưng khác hơn một năm trước tôi đã có số điện thoại của ông với một lời mời: "Khi nào có dịp ra Hà Nội công tác, báo cho biết đón lên chơi nơi đóng quân". Còn ông, ông cũng có được địa chỉ và số điện thoại của tôi. Có một chút xao động trong tôi. Những giấc mơ về ông nhiều hơn.
Không lâu sau, tôi nhận được một lá thư dán con tem quân đội, địa chỉ người gửi là Hộp thư số 1A..., linh cảm đó là thư ông làm tôi hồi hộp, nhưng tôi không vội mở, muốn để dành đến đêm, khi tất cả mọi việc trong ngày hoàn tất, tôi muốn có cảm giác trọn vẹn của lần đầu đọc thư ông...
Một lá thư ngắn, độ mươi dòng, với nét chữ chân phương rõ ràng. Ông hỏi thăm công việc của tôi, nói có nghe vài chương trình tôi làm về quân đội trên sóng phát thanh và khen, ông còn tỏ ý lo ngại sức khoẻ của tôi vì trông mảnh mai quá làm nhà báo đi nhiều sẽ vất vả... Một lá thư thăm hỏi rất bình thường nhưng với tôi từng câu từng chữ làm cho tôi xúc động, tôi đọc đi đọc lại nhiều lần, như cố tìm thêm những gì đằng sau mấy dòng chữ ngắn ngủn kia... Và ngay trong đêm tôi viết gửi ông một lá thư dài, dài chưa từng có của tôi cho đến lúc ấy. Tôi kể ông nghe chuyện về giấc mơ "dũng sĩ thần thoại" 20 năm trước, tôi kể ông nghe cảm xúc của tôi khi gặp ông lần đầu - đối diện người trong ảnh và trong mơ...
Thế rồi, từ đó tháng nào tôi cũng nhận được thư ông, những lá thư có độ dài tăng dần theo thời gian, những lá thư dán con tem quân đội. Qua các lá thư, tôi đã có ít nhiều hiểu biết về ông, ông không còn là một hình ảnh mơ hồ trong những giấc mơ của tôi ngày xưa, mà ông đang hiện diện bên tôi. Ông kể trong thư về làng quê nơi ông sinh ra, một làng quê êm đềm rất đặc trưng của đồng bằng châu thổ sông Hồng, có con sông quê tắm đẫm tâm hồn trẻ thơ quê ông, có những ngôi chùa tĩnh lặng trầm tư thâm nghiêm dưới bóng rợp của các cây si, cây bồ đề cổ thụ, có đình làng thờ thần hoàng linh thiêng và những hội làng đầy náo nhiệt màu sắc y hệt trong cổ tích. Ông cũng kể tôi biết về thời niên thiếu đầy gian nan vất vả, chính những tháng ngày khổ cực khó khăn đó đã rèn cho ông nghị lực và sức chịu đựng để sau này nhập ngũ, vào chiến trường, đối diện với cái chết - sự sống trong gang tấc giữa các cuộc chiến đấu khốc liệt ngoài mặt trận, ông đã vượt qua được...
Tôi say sưa đọc thư ông, nhớ từng câu chuyện ông kể qua thư, những câu chuyện chiến đấu như huyền thoại, sống động và hấp dẫn, những câu chuyện còn hay hơn thần thoại về việc di chuyển đội hình xe tăng đảm bảo bí mật bất ngờ suốt dọc đường Trường Sơn, cả xe lẫn người hoà vào rừng cây, hoà vào màu đất đỏ... Tôi dù đã đọc và xem phim về những chiến dịch xe tăng ta đánh giặc, nhưng khi đọc thư ông kể về cuộc chiến đấu của xe tăng quân chủ lực ở chiến dịch Khe Sanh 1969, lần đầu tiên khi những chiếc tăng mang trên mình ngôi sao năm cánh màu lửa xuất hiện đã làm bọn Mỹ bị bất ngờ choáng váng, các chiến thuật của chúng đều bị vô hiệu hoá tê liệt dưới sự tấn công dũng mãnh của xe tăng ta, đưa đến sự thất bại về chiến lược của Mỹ ở Tây Nguyên và chiến trường Miền Nam. Tôi thấy như hiện ngay trước mắt mình cuộc chiến đấu của xe tăng ta đang lao mình trong khói lửa, truy kích giặc Mỹ, nghiền nát các căn cứ địch... Và nổi bật lên là ông người chiến sĩ người chỉ huy xe tăng... Ông là người thật việc thật, nên thư ông kể lại sinh động hiện thực hơn tất cả. Ông không chỉ kể về chiến thắng, ông còn viết cho tôi về sự mất mát hy sinh, lời thư của ông hình như cũng nghẹn ngào khi nói về những đồng đội đã hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn trưa 30.4.1975, người lính đã hy sinh trước cửa Dinh Độc lập chỉ vài phút trước khi lá cờ quân giải phóng tung bay trên nóc Dinh...