Trường sinh bất tử
Chân Nhân Ðại Ðạo chỉ Nguyễn Lại và hỏi:
- Người này là ai?
Ông già đáp:
- Thưa Ðức Ðồng, đây là họ Nguyễn, phủ Dạ Trạch muốn làm môn đồ theo học pháp trường sinh.
Chân Nhân Ðại Ðạo nói:
- Pháp trường sinh phải dày công tu luyện, người có kiên tâm không?
Viên thư lại vội vàng thưa:
- Con kiên tâm!
- Liệu có quên được chuyện đời?
- Dạ, con quên được, xin Ðức Ðồng cho thụ giáo.
- Ðạo của ta không được vương vấn trần ai, ta thấy ngươi thành tâm, ta chấp nhận.
Nguyễn Lại liền vái tạ.
Từ hôm ấy, họ Nguyễn ăn chay, ngày ngày ngồi cạnh vân sàng của Ðức Ðồng Chân Nhân Ðại Ðạo nghe giảng, tụng kinh... Tháng nọ nối năm kia, chỉ một chu trình: ăn, đọc kinh, buổi chiều đi dạo quanh sườn núi. Thấy công việc lặp đi lặp lại một cách đơn điệu tẻ nhạt, họ Nguyễn đâm ra chán, nhớ nhà, nhớ vợ. Nhưng cũng chỉ là nghĩ trong bụng mà không dám lộ ra. Việc đàn hương đọc kinh vì thế có phần sao nhãng. Ðược thụ pháp trường sinh như mơ ước của chàng, nhưng Nguyễn Lại bắt đầu chán nản. Chàng thấy cuộc sống xưa kia của chàng mới thú vị làm sao! Và vì vậy chàng luôn bị cảnh giường chiếu cùng vợ ám ảnh. Ðêm đêm chàng trở mình, giấc ngủ chập chờn. Rồi chàng nghĩ: thà được sống như trước đây, bên vợ một hôm rồi chết còn hơn "trường sinh" một cách nhàm chán ở chốn này.
Vào một ngày nọ, cũng là tiết xuân, Nguyễn Lại cùng tiểu đồng đi vãn cảnh. Chợt nghe nhiều tiếng cười dưới chân núi vọng lên, liền dừng lại. Dưới đó, hội xuân đang kỳ rộ. Chỗ này kéo co, múa lân. Chỗ nọ đánh vật, quay đu. Náo nức, vui vầy. Nguyễn Lại dừng mắt lâu bên một cây đu. Nơi ấy, một trai một gái, quần nâu váy lĩnh đang quấn lấy nhau mà nhún. Váy người con gái tốc cao, lộ rõ cặp đùi trắng. Nguyễn Lại vội quay mặt, thở dài. Hôm sau, một mình chàng ra chỗ cũ, trông xuống. Ngày trước, mình cũng được sống vui vẻ như họ, chàng chợt nghĩ, và hình ảnh Thị Liên lại hiện ra. Ðêm đó, về đến Tôn miếu chàng bỏ cơm.
Hôm thứ ba, chàng dậy sớm, ăn mặc gọn gàng và xăm xăm lẻn xuống núi. Những tiếng cười trong trẻo của đám con trai con gái và sự trêu đùa của họ khiến chàng vui thú. Chàng lẫn vào đám đông đi hội lúc nào không hay.
Quê nhà cũng đang vào xuân, ta thử về đó một lần xem sao! Nghĩ vậy, chàng liền cất bước.
Quê hương khác xưa nhiều quá! Chàng có rõ đâu rằng một năm trên núi Phù Tiên là mấy chục năm nơi cõi đời - Chàng lạ lẫm như Từ Thức về làng. Chàng dò hỏi mãi, vẫn chẳng một người rõ Thị Liên là ai. Tới một ngôi nhà nọ, gặp bà cụ đã trên bảy mươi tuổi, tóc bạc trắng nhưng lại có những nét quen quen, chàng ngờ ngợ hỏi thăm. Bà lão không trả lời, chăm chú nhìn chàng rồi ngạc nhiên hỏi lại:
- Người là... có phải Thư Âm Nguyễn Ðoài Sĩ... Ngày xưa?
- Thưa, cụ là...
- Tôi là... Lý Hòa Liên.
Nguyễn Lại thất kinh, khuôn mặt méo xệch, liền hét to một tiếng, và chàng choàng tỉnh, trong lòng vô cùng sợ hãi. Thì ra đó là một giấc mơ.
- Có gì khiến chàng run rẩy vậy? - Người vợ bật dậy, ái ngại nhìn chàng và hỏi.
Nguyễn Lại ra khỏi giường, giật khăn thấm mồ hôi đang ướt đầm trán, rồi ngồi xuống, thở, và hổn hển kể lại mọi việc với vợ.
Thị Liên nghe xong cả cười, bèn thốc váy, phủ kín khuôn mặt chàng thư lại...