Tôi luôn nản khi thức dậy mỗi sáng. Sợ ngày hôm nay mình sẽ tụt lại sau một ai đó nên lúc nào cũng gồng mình lên và lao về phía trước
Câu trả lời cho Meg Erik
1. Tôi đặt đĩa nhạc yêu thích vào máy. Và mở loa hết công suất. Buổi chiều vàng vọt len lỏi qua mấy tấm rèm. Giọng hát của Adam Lambert cứ day dứt cọ vào tim.
Yeah.
I’m afraid.
Whataya want from me?
Whataya want from me?
Lời hát làm tôi không thể kìm nén nữa, nước mắt cứ trào ra. Nỗi uất ức, thất vọng, chán nản cứ như những con sóng, dâng lên hụp xuống, nhưng chẳng bao giờ dứt. Tôi không ngờ là mình lại có nhiều nước mắt đến vậy. Tôi cứ ngồi khóc vậy cho đến lúc mẹ đập cửa phòng.
“Vặn nhỏ nhạc lại. Con với cái, càng ngày càng hư”.
Tôi trả lời mẹ bằng cách tắt hẳn nhạc. Rồi chui lên giường trùm mền kín mít.
“Xuống ăn cơm!!!”.
Tôi kéo kín cái mền hơn. Quấn tròn nó quanh mình. Tiếng mẹ vẫn vang lên ngoài cửa phòng. Tôi lại càng rúc sâu vào cái mền. Ý định trở nên rõ ràng hơn bao giờ hết: Tôi muốn chết!
2. Tôi luôn nản khi thức dậy mỗi sáng. Sợ ngày hôm nay mình sẽ tụt lại sau một ai đó. Sợ những cái lắc đầu đầy thất vọng của ba mẹ, sợ bị so sánh với anh Khanh… Tôi luôn sợ hãi như vậy, mà lúc nào cũng gồng mình lên và lao về phía trước. Anh Khanh hay nói:
“Thoải mái đi bé”.
Nhưng anh làm sao mà hiểu cảm giác của tôi. Anh hơn tôi 6 tuổi. Tôi vừa đi học thì anh đã nhận được giải thưởng gì rất lớn, mà thầy hiệu trưởng thường nhắc đi nhắc lại: “Khanh là niềm tự hào của cả trường”. Anh Khanh luôn là học sinh giỏi nhất, là học trò được cưng nhất. Anh được giải Quốc gia, một chút nữa là vào được tuyển dự thi Quốc tế, tuyển thẳng vào đại học và giành được học bổng du học toàn phần. Lúc nhỏ, còn cảm thấy rất tự hào, khi mà các thầy cô cứ kể mãi những giai thoại về anh, làm lũ bạn nhỏ của tôi cứ kéo đến nhà, chỉ để được trông thấy anh một lần. Càng lớn, tôi càng thấy tội nghiệp mình vì làm em của anh. Đặc biệt là khi ba mẹ tôi rất hay đem tôi ra so sánh với anh, trong từng việc nhỏ nhất, học tập hay cư xử.
Tôi luôn được dạy rằng:
“Phải ráng được như anh Khanh”.
Cho nên tôi chỉ biết cắm cúi cố gắng thôi. Chẳng bao giờ băn khoăn như các bạn cùng tuổi, xem mình thích gì, muốn làm gì. Tôi có sẵn một con đường anh Khanh đã đi để làm kim chỉ nam. Tôi không cần phải suy nghĩ, lựa chọn, chỉ cần có thể đi hết con đường đó, như anh đã từng, là ba mẹ tôi đã đủ hài lòng lắm rồi.
Nhưng hôm nay, mọi thứ đã tan tành. Tôi đã bị loại khỏi đội tuyển thi Học sinh giỏi Quốc gia vì thiếu chỉ 0.5 điểm. Kế hoạch đoạt giải Quốc gia có số, để được tuyển thẳng vào Đại học như anh Khanh, coi như đổ bể hết. Tôi vừa nhận được kết quả vòng loại đội tuyển hôm nay và vẫn chưa nói với ba mẹ. Tôi không biết phải dùng lời nào để nói, khi bản thân mình đang chán ghét chính mình, thất vọng, hụt hẫng và hoài nghi khả năng của mình hơn bao giờ hết. Tôi cảm thấy bản thân mình quá đầy, không thể đón nhận dù chỉ là cái nhìn buồn bả của ba, hay vài câu bâng quơ của mẹ. Tôi chọn cách im lặng, mở nhạc ầm ĩ và trốn chạy.
Tôi thấy sợ hãi vô cùng.
3. Mẹ không thấy tôi trả lời. Đã lấy chìa khóa dự trữ tự mở cửa vào phòng. Tôi càng sợ khi mẹ bước lại gần, cố lún sâu vào cái mền hơn nữa. Mẹ dịu dàng ngồi xuống cạnh giường.
“Nào, xuống ăn lấy sức mà lên ôn thi”.
Tôi vẫn nằm yên không cựa quậy. Mẹ khẽ kéo mền.
“Anh Khanh ngày xưa cũng vậy đấy, đi học về là ngủ như cơm.”
Tôi đã ngưng khóc tự nãy giờ. Nhưng vừa nghe hai chữ “anh Khanh” là lòng lại trào lên một cơn sóng nước mắt mới. Tôi cố kiềm mình, giấu những giọt nước mắt vào trong. Vội vã ra khỏi mền, chải tóc và bước xuống nhà. Tôi sợ mẹ lại nói một điều gì đó, một lời nói vô tình, nhưng làm tôi đau đớn. Tôi cố tỏ ra bình thường trong từng cử chỉ. Dù trong lòng vẫn như một cõi hỗn mang.
Tôi lặng lẽ ăn cơm. Đến cuối bữa ăn, tôi dốc hết can đảm nói:
“Con rớt đội tuyển rồi”.
Ba bỏ tờ báo xuống. Mẹ quay người về phía tôi.
“Con nói lại xem nào. Cụ thể!”.
“Dạ, con xếp thứ 7, và người ta chỉ lấy 6 người”.
Tôi cảm thấy mình dửng dưng kì lạ khi nói câu nói đó. Rõ ràng, trước khi nói, tôi vẫn cảm thấy rất thất vọng về bản thân. Nhưng khi câu nói vừa được trút ra, nó như hút hết mọi cảm xúc của tôi với chính mình. Tôi cảm thấy như mình đang nói về chuyện của ai đó, không phải mình. Tất cả những gì tôi quan tâm chỉ gói gọn lại trong việc ba mẹ sẽ phản ứng đến mức độ nào.
Đúng như tôi dự đoán, ba tôi giận điên lên. Ba mẹ rất muốn tôi vào học ở một trường Đại học lớn, nhưng sức học của tôi không đều, thi tuyển sinh thì khó lòng đậu được, đành phải cố dồn sức học để kiếm giải Quốc gia như anh Khanh.