The Soda Pop

Phố mùa đông

Trong gia đình, các cụ thường hay bảo với các cháu: “Thời của chúng mày sướng hơn thời của chúng tao quá xá!” Càng ngẫm nghĩ, ta càng thấm thía câu nói ấy và hiểu ra rằng: Các cụ chưa đúng!

Bởi lẽ, thời đại của chúng ta bên cạnh những tiến bộ vượt trội về khoa học, kinh tế, giáo dục đã phát sinh muôn vàn những nỗi lo khác, những ước muốn khiến ta phải vật lộn với đời để có được. Ngày trước chúng ta chỉ cần một công việc, ngày nay chúng ta muốn một công việc tốt. Ngày trước chúng ta chỉ cần cái ăn cái mặc, ngày nay chúng ta muốn ăn ngon, muốn mặc đẹp. Ngày trước chúng ta chỉ cần một chỗ che mưa che nắng, ngày nay chúng ta muốn một ngôi nhà cao to rộng lớn, muốn một chiếc xe mới hơn và quan trọng nhất là muốn có thật nhiều tiền. Nhu cầu của chúng ta mỗi ngày một tăng thêm, đòi hỏi của con người luôn quay cuồng theo thời thế. Chúng ta lao vào những cuộc đua tranh khốc liệt hơn, những cuộc mưu sinh ướt đẫm mồ hôi và nước mắt. Ta không còn làm chủ được bản thân, làm chủ được số phận của mình nữa, những cuốn sách dạy cách “Làm chủ cuộc sống” được bán tràn lan trên thị trường để hướng dẫn ta. Cuộc sống dần biến chúng ta thành những gì mà chúng ta nghĩ… Chính vì vậy, thời đại này cũng chẳng sướng hơn thời đại xưa chút nào!

Tôi nghĩ ra những điều bình dị ấy khi đang ngồi trong một quán ăn rất bình dân giữa khung cảnh mùa đông bình yên và se se lạnh. Gọi là quán ăn bình dân tức là quán ăn dành cho những người dân bình thường – như tôi chẳng hạn. Tuy vậy, khách hàng thường đến quán rất đông và thuộc nhiều tầng lớp khác nhau: Lao động có, trí thức có, sang trọng có; với muôn vàn tính cách khác nhau: Hiền lành có, khôn ngoan có, thô lỗ có.

Sở dĩ quán ăn đông khách thế, mà lại có cả những khách hàng rất sang trọng, cũng vì vị trí của nó rất thuận lợi. Quán nằm ngay ngã tư đường đông người qua lại, gần trung tâm thành phố. Chếch về bên phải một chút là trung tâm mua sắm, giải trí, một cái rạp chiếu phim và một khu chung cư rộng lớn; Chếch về bên trái một chút là trường Trung Học, giờ tan trường học sinh ùa ra như kiến; Ngay đối diện là ký túc xá của sinh viên trường Đại Học, họ thường đến ăn sáng, ăn trưa và đôi khi cả ăn tối. Ngày nắng cũng như ngày mưa, mùa nóng cũng như mùa lạnh, không lúc nào tôi thấy quán vắng khách.

Cuộc sống khó khăn, kiếm tiền khó khăn, người ta đã biết quý trọng từng đồng từng xu. Vì vậy, mọi người rất khoái những thức hàng “Giảm giá”, “Khuyến mãi”, “Rẻ” và “Bình dân”… nắm bắt được nhu cầu ấy, những quán ăn treo bảng “Bình dân” thế này ngày càng mọc lên như nấm trên các vỉa hè. Về giá các món ăn trong quán thì không thể rẻ hơn được nữa, khỏi phải bàn; Về hương vị thơm ngon thì rất riêng, mà nhiều món ăn đắt tiền lại không có được; Về phần đảm bảo vệ sinh thì… thôi, cho qua vậy!

Sau khi trả tiền cho tô phở thơm ngon béo ngậy, tôi đứng dậy và ngay lập tức cảm nhận được cái lạnh buốt giá của gió mùa Đông Bắc đang thấm dần qua lớp áo. Hôm nay là Lễ Giáng Sinh! Khắp không gian tràn ngập ánh đèn lung linh, sặc sỡ. Những ánh đèn đủ màu sắc xanh, đỏ, tím, vàng… từ trong các cửa hàng chiếu lên các tấm kính, tràn ra ngoài đường phố thật mờ ảo và huyền diệu. Mọi người từ trong các con hẻm nhỏ nhất đổ ra đường lớn, quần áo sặc sỡ, tiếng cười đùa gọi nhau í ới cứ vang vọng không ngớt. Hòa thêm vào những âm thanh vui tươi ấy, không thể thiếu, là tiếng nhạc vút cao rộn rã của những bài ca mừng ngày Chúa sinh ra đời.

Lúc này đây, trong lúc tôi đang nhìn ngắm đường phố ồn ào, mơ mộng vơ vẩn, cũng là lúc chiếc xe của tôi bị kẹt cứng giữa dòng người ngược xuôi. Người đi bộ, người đi xe cứ chen vào nhau, chẳng ai chịu nhường ai. Tiếng còi xe inh ỏi không sao át được tiếng người cười nói. Tôi thích một ngày lễ yên tĩnh hơn, một đêm Giáng Sinh mà cả gia đình quây quần bên nhau, cùng trò chuyện thân thiết.

Nhưng chỉ mình tôi với ý nghĩ ấy thì đâu thể thay đổi được lề thói của cả một cộng đồng mà từ lâu được coi như là nét văn hóa riêng.

- Tránh đường đê! Tránh đường đê!

Ai đó bắt đầu hét. Tôi khổ sở nhích từng bước, thỉnh thoảng lại tự nhủ: “Sắp tới nhà cô ấy rồi, cố thêm chút nào!” Năm nào cũng thế, năm nào tôi cũng phải đến đưa cô ấy đi chơi. Cô ấy thích được đi bên cạnh tôi, dạo bước giữa dòng người nhộn nhịp và chơi những trò chơi ở hai ven đường vào dịp Noel. Năm nào cũng vậy, chẳng thay đổi gì nhưng cô ấy vẫn thích.

Tiếng chuông điện thoại reo vang trong túi áo, tôi vội vàng nhấc máy. Ở đầu dây bên kia là tiếng nói vô cùng dịu dàng, đáng yêu của em.

- Anh à! Đã đến chưa, em đợi lâu quá rồi nè!

Dù đường phố có ồn ào hơn lúc ấy, tôi vẫn có thể cảm nhận được chút dỗi hờn trong giọng nũng nịu của em. Tôi áp sát điện thoại vào tai, lấy tay che lại và nói như hét:

- Rồi! Rồi! Anh sắp đến rồi đây!

Vẫn giọng đáng yêu, em nói:

- Anh đến nhanh nha, em đợi anh!

Trang: 12
U-ON
[XÓA QUẢNG CÁO]