.....................
Những con đường đến trường Chu Văn An
“Mắt sáng môi hồng, đạp xe trên phố băng băng, quanh tôi quanh tôi bạn thân quen. Ríu rít trên đường bầy chim non tới trường...”
Lời hát văng vẳng từ ô cửa nhà hàng xóm, tôi giật mình nhớ hồi 3 năm trước vô cùng sung sướng khi đỗ được vào lớp 10 Chu Văn An với một suy nghĩ khá buồn cười: “ít nhất trong 3 năm tới mình sẽ được đi trên những con đường đẹp nhất Hà Nội”
Ở tuổi 15, những câu chuyện của tụi con gái dường như không bao giờ đủ cho quãng đường đi học: cười nói, ăn uống, gọi nhau í ới và nhiều lúc ghen tỵ với tụi Trần Phú, Phan Đình Phùng vì “tụi nó được mặc quần”. Đồng phục nữ sinh Chu Văn An khóa 1995-1998 là váy, đi xe đạp thật bất tiện, chưa tính đến những lúc vào thu, thời tiết hanh khô, chất liệu “nhúng, xít, xoa” của váy và áo sơ mi cứ dính chịt vào người, trông thật “khiếm nhã”.
Mọi con đường dẫn đến nơi “Chơi Và Ăn” đó đều đẹp đến mê hồn. Tôi không biết cách phân biệt Đông, Tây, Nam Bắc nên chỉ có thể nói được rằng nếu đi ra đằng sau thì cả một con đê Hoàng Hoa Thám mát rượi và vắng teo, đi thẳng là đôi bạn “sấu-sữa” Phan Đình Phùng-Quan Thánh, rẽ phải là “đẳng cấp” Hùng Vương-Bắc Sơn-Hoàng Diệu và rẽ trái là “có một không hai”: đường Thanh Niên.
Xuân, con đường đến trường của tôi phủ đầy sắc trắng muốt của hoa sưa, sắc hồng thắm của đào, sắc tím nhạt của hoa ban trên đường Bắc Sơn, Hoàng Diệu. Xuân, lá sấu rụng đầy đường Phan Đình Phùng. Thương những cô quét rác, quét hoài không hết đống lá sấu rụng đầy bên những gốc cây xù xì.
Hè, con đường đến trường rực rỡ hơn bởi phượng đỏ và bằng lăng tím biếc - hai sắc hoa báo hiệu mùa thi và mùa tạm biệt mái trường. Nghỉ hè, sớm sớm tôi vẫn đạp xe trên con đường Thanh Niên, ngắm nhìn những chiếc xe chở đầy sen hồng, sen trắng xuôi ngược.
Thu, ríu rít tranh nhau chẹt lên những chiếc lá vàng rất to nằm khô khốc dưới lòng đường, chúng tôi thích thú lắng nghe tiếng tiếng lá khô tan dưới những bánh xe mini Tàu xanh đỏ. Đã bao lần tụi con gái chúng tôi quyết định thống kê những thân sữa thẳng đứng trên đường Quan Thánh nhưng đều thất bại vì thỉnh thoảng lại đếm nhầm “cột điện”. Tụi con trai thỉnh thoảng “hâm hâm lên cơn ga-lăng” kiếm đâu về vài cành hoa sữa. Hoa sữa ở trên cao thơm ngọt là thế nhưng khi treo đầy lớp thì ô sao mà “hắc” đến vậy... Chập chững nhận ra rằng yêu thương không phải là sở hữu.
Đông là những ngày dậy muộn. Thượng sách là lấy lòng bác Mão để bác cho qua khi cổng trường vừa đóng. Trung sách là rẽ phải đi bằng cổng bên qua hàng bánh bao-sữa đậu nành và hạ sách là đi vòng cổng sau qua hàng bún ốc. Đông, lớp học đã rộng trông càng như rộng ra, cửa sổ đóng kín mà vẫn không ngăn nổi những cơn gió buốt từ hồ Tây thổi vào. Sương trắng mờ mặt hồ khiến lúc học sinh cấp III không còn bị phân tâm để nhòm nhòm nhìn những đôi trai gái buông mái chèo hôn nhau trên mặt hồ.
...
Và bây giờ, cuộc đời bắt chúng tôi phải đi qua những con đường bê tông nắng cháy da cháy thịt và chỉ cần một chút lơ đễnh thì chỉ một chiếc “công nông” bốc khói mù mịt khiến chúng tôi phải trả giá đắt. Nhưng tôi tin rằng cho dù tôi có già đi đến mấy, cho dù hơi nhựa đường bê tông và khói xe công nông có thể làm da tôi đen xạm và giọng nói tôi nhiều khi trở nên khản đặc và khô cứng thì sâu thẳm tâm hồn tôi vẫn luôn sẵn sàng, bất kỳ lúc nào, là một nữ sinh tuổi 15. Tôi có thể “ngửi” được mùi của Hà Nội chuyển mùa và mùi của những con đường thân thuộc.
Và tôi tự hỏi, nếu tôi học ở một nơi nào đó khác, nếu tôi không được đi học trên những con đường “đẹp nhất Hà Nội” ấy, nếu 3 năm trời tôi không hít lấy hít để mùi vừa mát vừa nồng của hoàng lan, mùi ngai ngái của lá sấu dập hay cái mùi “mang đầy tranh cãi” của hoa sữa trên đường Quan Thánh, liệu tôi có những xúc cảm, có tâm hồn và một tôi như bây giờ? Bởi những điều kỳ diệu của tuổi 15 bên thầy cô, bạn bè, tuổi 15 trải dài trên con đường đến trường, tuổi 15 sống dưới mái trường Chu Văn An đẹp và lãng mạn ấy đã trở thành một mảnh ghép không bao giờ khuyết trong tôi…
....................
Admin: Có lẽ vào thời điểm này, bộn bề tâm trạng nhất chính là các bạn học sinh cuối cấp. Thời gian trôi qua không còn tính bằng ngày, giờ, mà thời gian của các bạn đang được tính bằng chính những tiết học… Mời các bạn nghe bài viết 17 tiết học cuối cùng, gửi từ Blog của ShinHL…