Là đứa học sinh tinh nghịch nếu không muốn nói là “siêu quậy”, tôi cũng không ngờ khi mình được xếp vào lớp chọn vào đầu năm học lớp 10. Lọt vào trong một lớp toàn “siêu nhân” suốt ngày lo học và học, còn tôi nổi bật là “một nữ tướng cướp” của lớp, siêu quậy và siêu nói chuyện. Tôi nghĩ ra đủ thứ trò để thỏa mãn sự hiếu kì , ngang bướng của mình. Cũng chính vì điều đó mà đã gây ra cho tôi không ít rắc rối và tôi đã nhận được những bài học thật thích đáng.
Ba mẹ tôi lúc nào cũng đề ra những mục tiêu để tôi phải đạt được như: đạt danh hiệu học sinh giỏi, được học bổng, sau này phải đậu vào ĐH Ngoại Thương… Thực ra thì đó là những mục tiêu chính đáng. Tôi vốn có tư chất thông minh, tuy nhiên do nghịch ngợm, lêu lổng nên tôi chẳng đoái hoài gì đến mấy cái thành tích đẹp đễ ấy.
Vào năm lớp 10, cô giáo dạy văn chủ nhiệm lớp tôi. Tính cô hiền khô lại càng làm cho cái tính “quậy” của tôi có cơ hội được lộng hành. Bản tính của tôi vốn là thế nhưng được cái làm việc gì tôi cũng rất vô tư, nhiệt tình, nhất là các phong trào của lớp, của trường hay các phong trào tình nguyện nên cũng được nhiều bạn quý mến.
Ba mẹ đã không ít lần can thiệp để mong giảm dần cái bản tính như con nít của tôi, nhưng dường như chẳng ăn thua gì. Bận việc ở cơ quan nên dần dần ba mẹ cũng đến nản với tính khó bảo của tôi. Vào lớp chọn mà chẳng mấy khi chuyên tâm đến việc học hành của mình, hậu quả tất yếu là tôi lê lết qua lớp 10 với kết quả cuối năm chỉ đạt trung bình nhưng tôi thì thấy khoái chí lắm với những chiến công oanh tạc của mình.
Đến năm 11, khi đó thực sự tôi nghĩ là một điều xui xẻo vì cô giáo chủ nhiệm chuyển trường và thay vào đó là một thầy giáo dạy Toán: thầy Hiếu. Nghe đâu thầy là một giáo viên dạy giỏi và rất nghiêm. Nhưng phải công nhận rằng thầy còn rất trẻ và đẹp trai nữa. Có lúc nghĩ, có lẽ đây là thử thách để mình có thể năng cao “đẳng cấp” chăng. Rồi lại cười thầm một mình dù trong lòng vẫn có một chút gì đó hoang mang. Lớp tôi chuyên về khối A, lại được thầy giáo giỏi Toán chủ nhiệm nữa nên bọn nó cứ như diều gặp gió vậy.
Mấy ngày đầu, tôi âm thầm quan sát và tất nhiên là chưa có hành động gì đáng chú ý. Rồi đến một hôm, có tiết đầu của thầy vào buổi sáng, tôi đã cẩn thận chuẩn bị kế hoạch tác chiến. Từ rất sớm, tôi cùng mấy bọn con trai thường hay chơi thân (tất nhiên là khác lớp), nhờ chúng bất một con sâu chuối rõ to và gói vào trong một bọc giấy có đề dòng chữ: “Bạn là một người rất may măn, xin nhận lấy phần quà này”. Tôi còn gắn lên một chiếc nơ nhỏ nhỏ xinh xinh nữa chứ. Hớn hở cầm gói quà trên tay và nhân cơ hội chưa có ai đến lớp, tôi đặt nó vào trong hộc bàn của cái Oanh- một đứa sợ sâu nhất trên đời. Đắc chí, tôi cười nắc nẻ trong lòng và chỉ chờ trò vui để xem.
Lớp vào học. Thầy đến và bắt đầu giảng bài. Một tiếng la hét kinh thiên động địa: “A..a..a..a….!” rồi sau là tiếng khóc thảm thiết làm cả lớp náo loạn. Oanh ngồi trân trân trước một con sâu chuối đang bò lổm ngổm trên bàn. Lớp tôi, ai nấy cũng phải cười lăn cười bò. Một vài ánh mắt nhìn về phía tôi nhưng tôi làm ngơ đi như thể mình chẳng hay biết gì. Riêng thầy, bình tĩnh ngừng giảng bài và bảo một bạn nam bắt con sâu đi. Thầy hỏi với một giọng nghiêm khắc khác thường: “Ai đã bày ra trò này?”. Cả lớp im re không một ai lên tiến. “Tôi hỏi em nào bày ra trò này hãy đứng lên nhận lỗi?”. Chỉ có một vài tiếng xì xào bàn tán. Tôi vẫn ngồi thản nhiên và tất nhiên là chẳng có ai đứng lên cả.
Rồi những ngày sau đó, tôi liên tục oanh tạc lớp bằng những trò ma quái khiến lớp lúc nào cũng rối cả lên. Thấy mà ngộ. Đối với tôi, kiếm trò chọc mấy con mọt sách trong lớp là chuyện dễ như trở bàn tay. Và rồi, những chuyện ấy đều được “bẩm báo” đầy đủ đến tai thầy và hình như đã có một vài sơ hở của tôi để mấy đứa phát hiện ra. Tuy nhiên, tôi nghĩ, thầy có bắt tận tay mình được đâu mà sợ. Tôi chờ xem thầy sẽ xử trí thế nào, nghe bảo thầy nghiêm khắc lắm cơ mà. Vậy mà những ngày sau đến lớp thầy vẫn say sưa giảng bài, không đả động gì đến mấy trò ranh mãnh của bọn nhất quỷ nhì ma chúng tôi. Có lần đang giảng bài, bất ngờ ánh mắt thầy nhìn chằm chằm vào tôi, tôi lảng đi quay sang hướng khác. Linh tính mách bảo cho tôi thấy thầy đã biết chuyện gì rồi. Tôi bắt đầu hơi run khi phải đối mặt với ánh mắt đó, mà thực ra thì thầy chưa làm gì tôi cả. Rồi đâu lại vào đấy, tôi vô tư chẳng lo nghĩ gì thêm.
Rồi đến một hôm, cái vận đen cũng tìm đến tôi. Sáng hôm ấy vừa lên lớp, thầy bảo ngay là kiểm tra bài cũ. Bất thần trong giây lát, tôi sực nhớ ra hôm trước, thầy đã dặn là hôm nay kiểm tra bài cũ nhưng và tối qua đi sinh nhật cậu bạn nên tôi quên khuấy đi mất. Tôi quay ngang, quay dọc mượn vở đứa bạn liệu thầm trong bụng phải chép đến tốc độ tối đa có thể. Nhưng thôi rồi, đâu có kịp nữa. Cái tên Hoàng Anh nằm đầu sổ đã bị gọi lên. Tôi nghe như có một luồng điện rân rân chạy dọc sống lưng. Lần này thì chết thật rồi. Một chút bình tĩnh lại, tôi lấy cái bút đỏ hí hoáy vài dòng chữ trong vở bài tập rồi đưa lên cho thầy. Thầy vừa hỏi bài vừa kiểm tra bài tập của tôi: “Hoàng Anh, bài tập em làm ở đâu sao thầy không thấy?”. Tôi gãi gãi đầu: “Dạ..dạ…”. Rồi thầy dở đến trang giấy tôi vừa viết xong, một dòng chữ to màu đỏ nổi lên: “thầy ơi, em yêu thầy!”. Liếc nhìn, tôi thấy mắt thầy trố lên, rồi nghĩ bụng phen này thì thầy “hết nước” rồi. Cũng không hiểu sao tôi lại tinh nghịch đến nỗi nghĩ ra cái trò đó để đả kích thầy và giúp mình lật ngược tình thế nữa chứ. Tôi cúi mặt xuống và cười thầm.
CÙNG CHUYÊN MỤC | [TẮT] |