'Nếu thi trượt đại học, tôi sẽ nhảy sông Hồng'.
Câu chuyện thứ nhất
- Tao nghĩ rồi mày ạ, nếu tao trượt đại học, tao sẽ nhảy sông Hồng. Mày biết đấy, lúc đấy thì tao sẽ chẳng còn biết làm gì nữa, tao chẳng sống làm gì nữa cả.
Cảm giác ấy lại giống hệt như 3 năm trước, khi tao một mình xuống Hà Nội học, thi trượt cả Chuyên ĐH KHTN lẫn Chuyên Sư phạm, sống một mình một năm, tao cứ nghĩ chẳng ai cần mình nữa. Nó cô đơn và trống trải. Đến bây giờ, cũng không có ai tin tao cả, mọi người đều không nói gì cả, hụt hẫng, xoay vòng trong những tháng ngày uể oải giống y hệt nhau, niềm tin tự nhiên trở thành một thứ quá xa xỉ.
Ừ thì tao to lớn hơn đứa khác, mấy thằng trên đường tao đi học suốt ngày bảo tao là "Con béo" này nọ, nhưng đâu phải lớn hơn về thể xác có nghĩa là tao phải một mình làm tất cả. Tao cũng biết mệt mỏi và tủi thân. Tao cũng là con người, tao cũng là con gái...
Bao nhiêu lần rồi, nhiều khi đi đường tao chỉ muốn đâm đầu ô tô, nhưng chết như thế thì đau quá, mà chẳng may không chết, có phải khổ bố mẹ tao không. Xin lỗi mày, nhưng tao thực sự nghĩ sẽ nhảy sông Hồng nếu thi trượt, chắc là sẽ mát...
- Không rõ số liệu thống kê, nhưng trên đất nước này phải có đến vài triệu người thi đại học, có ai là không xoay vòng với những tháng ngày giống nhau y hệt? Cũng chẳng ít ý tưởng nhảy sông Hồng nếu trượt, đến khi ấy nếu tất cả đều thực hiện, không biết sẽ ô nhiễm đến mức nào, ô nhiễm đến u uất.
Nếu mày thích, tao cũng không ngăn được, bởi nếu mày chết, tao cũng chỉ vật vã khóc lóc nửa năm là nhiều, nhưng còn bố mẹ mày, họ có chết nửa con người hay thậm chí cả con người hay không, thì tự mày biết rõ, sống không bằng chết, sao thành công bị trì hoãn của mình mà lại làm cho cuộc đời người khác bế tắc như vậy, mày có muốn chết vẫn là người xấu hay không?
Tao cũng nghĩ, nếu trượt đại học, thực sự thì lúc đó tao cũng chẳng biết làm gì cả, nhưng quyết định nhất định sẽ không có mặt cái chết, bởi nói thực, tao sợ chết, dù cho nền giáo dục Việt Nam thật là ba chấm, nhưng ngay sự hèn nhát của mình cũng đã quá là ba chấm hay sao. Nếu mày thấy không được quan tâm đã là khổ, không ai nói gì đã là chán, vậy hãy nghĩ tới những người ngày ngày phải nghe mòn tai những lời không muốn nghe, niềm tin không chỉ bị nhốt, mà còn bị đánh. Mày hãy nghĩ tới có những người chỉ mong được một nơi yên tĩnh, chỉn chu để học hành yên ổn, không phải vừa đi học vừa đi làm, không phải vừa học vừa bịt tai lại, không phải nuốt nước mắt chiến đấu với cuộc sống để tiếp tục học, đi chiếc xe đạp rách đi thi, đến ngày thi mà còn ăn không đủ no, trở về nhà với những đòn roi hay mưu sinh chật vật...
Như vậy đấy, sặc nước chẳng lấy gì làm dễ chịu, nhất là với một người nặng cân. Béo không phải là xấu cũng như không phải không cần được yêu thương, con người được đánh giá ở những việc họ làm chứ không phải những gì bên ngoài họ có. Cái cú nhảy sông Hồng của mày, nếu có chắc chắn sẽ lên báo, mày sẽ nổi tiếng bằng cách đó ư? ...
- Tao hiểu rồi, đi ngủ để ngày mai tao sẽ không còn nghĩ đến sông Hồng nữa, à không, không bao giờ nữa. Xin lỗi mày. Cảm ơn!"
1h sáng, tôi không nhớ mình vừa nói gì với cô bạn, tôi thấy mơ hồ rằng, mình cũng cần nghe tất cả những điều như vậy. Ngày mới thực ra ban đầu vẫn tối đen như điểm cuối của ngày cũ, nhưng khác là ở chỗ, chúng ta có thức dậy hay không.
Câu chuyện thứ hai
"Mày ơi cho tao xin cái ảnh"
- Ờ.
"Mày ơi viết lưu bút cho tao"
- Ờ.
"Mày ơi tao có còn nợ mày tiền gì không nhỉ"
- Ờ, không.
"Mày ơi..."
- ...
"Con chó".
- Cái giề? :-w
"Tao gọi mày thôi, để nghe mày thưa" : )))))))
Tôi nhớ ai đó đã nói rằng, phải đến giây phút sắp mất một thứ gì đó, người ta mới nhận thức được rằng mình đã làm gì với nó, và ý nghĩa của nó trong suốt khoảng thời gian hiện diện bên mình. Hơn nữa, những câu nói mà không ai khẳng định được tên tuổi của tác giả, thì luôn đúng.
Chúng tôi vẫn thường là những đứa trẻ, viết chính tả còn sai, đuổi nhau đánh nhau loạn xạ dưới gốc cây như bầy trẻ nít chăn trâu, mượn giầy của nhau vào giờ thể dục. Chỉ khác một điều so với trẻ nít, là chúng tôi mặc áo trắng. Đến giờ ngẫm lại, tôi mới nhận ra rằng, cái màu áo trắng thực ra không phải để học trò trông sạch sẽ hơn, mà dường như các nhà giáo dục đã làm đúng lương tâm một điều duy nhất, là sản xuất ra cái áo trắng cho học sinh để chúng có thể bôi bẩn áo nhau, để các công ti bút và mực có thể tự hào rằng sản phẩm của mình luôn tốt ngay cả trên vải.
Như thế đấy, chúng tôi cứ xô đẩy nhau mà đi, vừa đi vừa kéo nhau lại, khi thì để cấu, lúc thì để đấm đá, lúc lại đưa cho gói bim bim, đủ cả. Nói chung là chẳng ai muốn đến điểm cuối, cái điểm mà dường như trước kia chúng tôi luôn nghĩ rằng hàng triệu năm ánh sáng mới tới, thế mà đúng một cái, bảo vệ chưa kịp đánh trống, "nó" đã đến đứng thù lù ngay trước mặt chúng tôi.
Sắp thi đại học, sắp làm người lớn, mà mặt đứa nào trong chúng tôi vẫn thộn ra hết cả, theo ngôn ngữ của chúng tôi, nôm na mà nói thì tương tự như: